Bí quyết thành công xuất phát từ cách nghĩ. Cuốn sách Nghĩ Giàu Làm Giàu Think and Grow Rich, không chỉ đơn thuần thay đổi cách bạn suy nghĩ hay dừng lại ở việc bạn cần phải làm gì, nó còn giúp bạn điều chỉnh tư duy và hướng dẫn cụ thể từng bước để đạt được mục đích cá nhân.
Ra mắt độc giả lần đầu tiên vào năm 1937, cuốn sách “Nghĩ giàu và làm giàu” của tác giả Napoleon Hill nhanh chóng trở thành một trong những cuốn sách về tài chính cá nhân bán chạy nhất mọi thời đại. Với tuổi đời hơn 100 năm nhưng giá trị của nó vẫn không hề bị phai mờ theo thời gian, cuốn sách đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng bạn đọc và truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ về thành công, làm giàu và thay đổi cuộc sống.
Thay vì chỉ đơn thuần chia sẻ những bí quyết làm giàu dễ dàng, “Nghĩ giàu và làm giàu” lại mang triết lý sâu sắc hơn. Napoleon Hill tin rằng, thành công và giàu có không chỉ đến từ việc tích lũy tài sản vật chất, mà còn đến từ việc trau dồi, phát triển bản thân. Đó là thông điệp chính xuyên suốt cuốn sách.
Đặc biệt, tác giả còn chia sẻ bí quyết thành công của những tên tuổi lừng danh như Thomas Edison, Henry Ford, John D. Rockefeller… qua hành trình phỏng vấn huyền thoại của mình, Andrew Carnegie, là một doanh nhân người Mỹ gốc Scotland và được mệnh danh là Vua Thép.
Tác giả Napoleon Hill
Napoleon Hill sinh năm 1883 trong một ngôi nhà nhỏ tại vùng rừng núi Virginia và mất mẹ khi còn rất nhỏ. Để mưu sinh trong hoàn cảnh khó khăn, Hill đã làm phóng viên cho một tờ báo khi còn trẻ nhằm kiếm tiền trang trải cho việc học tại Đại học Georgetown. Chính kinh nghiệm làm báo này đã trở thành nền tảng quan trọng, góp phần định hình con đường sự nghiệp và cuộc đời của ông sau này.
Với công trình nghiên cứu kéo dài gần 30 năm với cuốn sách 13 Nguyên Tắc Nghĩ Giàu Làm Giàu (Think and Grow Rich), ông được vinh danh là “người tạo ra các nhà triệu phú”. Napoleon Hill đã truyền cảm hứng và lan tỏa triết lý thành công dựa trên tư duy tích cực, phương pháp hiệu quả cùng những phẩm chất cao đẹp trong tính cách giúp hàng triệu người trên khắp thế giới đạt được thành công.
Tóm tắt sách Nghĩ Giàu Làm Giàu
Sách Nghĩ Giàu Làm Giàu của Napoleon Hill bao gồm 14 chương, với 13 nguyên tắc nghĩ giàu làm giàu. Tuy nhiên, tôi tóm tắt một cách dễ hiểu trong lưu đồ dưới đây.
Chúng ta thường nói “Gieo suy nghĩ, gặt hành động. Gieo hành động, gặt thói quen. Gieo thói quen, gặt tính cách. Gieo tích cách, gặt số phận”. Điều đó cũng tìm thấy trong cuốn sách này.
Nguyên tắc 1: Khát vọng
“Bất kể điều gì con người có thể tưởng tượng và tin tưởng rằng mình sẽ đạt được đều có thể trở thành hiện thực.” Thành công luôn bắt đầu từ khát vọng và niềm tin vào mục tiêu của mình. Điều này được minh chứng qua câu chuyện của Barnes, người không chỉ mong muốn làm việc cùng Edison mà còn đặt mục tiêu cụ thể là cộng tác với ông chứ không phải làm những công việc vặt vãnh. Chính nhờ khát vọng mãnh liệt này, Barnes đã thành công. Ông tập trung vào một mục tiêu duy nhất, không cho phép mình lùi bước, chỉ có một lựa chọn: thành công.
“Không chịu cố gắng suy nghĩ và mở rộng tầm nhìn đã khiến một số người phải vất vả làm duy nhất một việc trong suốt cuộc đời họ.”
Dưới đây là tóm tắt sách Nghĩ Giàu Làm Giàu với sáu bước giúp biến khát vọng thành hiện thực:
- Bước 1: Xác định rõ ràng số tiền bạn mong muốn có được (càng chi tiết càng tốt).
- Bước 2: Xác định bạn sẽ đánh đổi điều gì để đạt được số tiền đó.
- Bước 3: Đặt thời hạn cụ thể mà bạn muốn đạt được mục tiêu này.
- Bước 4: Lập một kế hoạch cụ thể để thực hiện mục tiêu và bắt tay vào hành động ngay.
- Bước 5: Viết một bản tuyên bố ngắn gọn, rõ ràng về số tiền, thời gian và cái giá bạn phải trả để thực hiện kế hoạch.
- Bước 6: Đọc to bản tuyên bố này hai lần mỗi ngày vào buổi sáng khi thức dậy và buổi tối trước khi đi ngủ.
Nguyên tắc 2: Niềm tin
Niềm tin được ví như nhà khoa học của tâm hồn bởi chính niềm tin đã chuyển hóa khát vọng thành sức mạnh tinh thần. Lý do tại sao không có giới hạn nào cho tâm trí là vì niềm tin có khả năng phá vỡ những giới hạn đó bên trong mỗi con người. Làm thế nào để xây dựng và nuôi dưỡng niềm tin? Tiềm thức sẽ tự nhận thức rằng những gì bạn tin tưởng là đúng, từ đó biến sự tin tưởng đó thành niềm tin giúp bạn định hình kế hoạch cụ thể để đạt được những gì bạn khao khát.
Tuy nhiên, nếu bạn liên tục truyền vào tâm trí mình những tư duy tiêu cực, tiềm thức cũng sẽ hình thành những giá trị tương đương mà chúng ta hay gọi là “vận xui.” Vì vậy, niềm tin của bạn nên hướng vào những tư duy và khát vọng tích cực, tin rằng những tư duy đó sẽ dẫn đến “vận may” hay cơ hội trong cuộc sống.
Tóm tắt sách Nghĩ Giàu Làm Giàu nguyên tắc thứ hai: Tác giả nhấn mạnh sự kiên định và khát vọng. Ở nguyên tắc này, ông muốn bạn đọc hiểu rõ sức mạnh của niềm tin vào những điều mình khao khát. Nếu chúng ta đã chọn thành công, tại sao không chọn những niềm tin tích cực mang lại cho mình sự tư duy đúng đắn?
Như Napoleon Hill đã từng nói: “Kẻ bỏ cuộc không bao giờ chiến thắng, còn người chiến thắng không bao giờ bỏ cuộc”.
Nguyên tắc 3: Tự kỷ ám thị
Tự kỷ ám thị là quá trình mà một người, thông qua sự tác động của thôi miên hoặc hoạt động của tiềm thức vô tình thay đổi hành vi và cách ứng xử của bản thân. Đây là công cụ kiểm soát trung tâm, nơi mỗi cá nhân có thể nuôi dưỡng những suy nghĩ sáng tạo trong tiềm thức của mình.
Tuy nhiên, nếu bạn chỉ đơn thuần lặp lại những khẩu hiệu của mình mà không kèm theo hành động cụ thể thì sẽ không có gì thay đổi. Tư duy và hành động phải luôn song hành với nhau vì chúng xuất hiện và tồn tại thường trực trong bộ não của chúng ta. Nguyên tắc tự kỷ ám thị đòi hỏi khả năng tập trung, để mong muốn của bạn trở thành một nỗi ám ảnh sâu sắc và thường trực trong tâm trí.
Tóm tắt sách Nghĩ Giàu Làm Giàu nguyên tắc thứ 3: Để đạt được thành công một cách nhanh chóng, bạn cần luôn nghĩ về thành công và nuôi dưỡng những suy nghĩ tích cực. Sau đó, hãy lập kế hoạch cụ thể để hiện thực hóa những suy nghĩ đó. Làm theo đúng các hướng dẫn này, bạn sẽ trở thành người điều khiển số phận của chính mình chứ không phải ai khác.
Nguyên tắc 4: Kiến thức chuyên môn
Có hai loại kiến thức: kiến thức cơ bản và kiến thức chuyên sâu. Kiến thức cơ bản là những kiến thức chung tuy phong phú và đa dạng nhưng lại ít được sử dụng trực tiếp trong việc tạo ra tiền bạc. Điều quan trọng hơn là trước khi có thể biến những mong muốn của mình thành hiện thực và đạt được số tiền mơ ước, bạn cần có kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ hay nghề nghiệp mà bạn đang theo đuổi để đạt được sự giàu có. Nếu kiến thức của bạn chưa đủ, bạn cần bổ sung điều đó bằng cách hợp tác với Nhóm trí tuệ – một tập hợp những người có kiến thức chuyên sâu được tổ chức chặt chẽ và định hướng một cách thông minh, mang lại cho bạn sức mạnh và lợi thế to lớn.
Ví dụ như Henry Ford, dù chỉ học đến lớp 6 nhưng ông đã xây dựng nên một đế chế công nghiệp hùng mạnh. Hay như Thomas Edison, người chỉ ngồi trên ghế nhà trường không quá 3 tháng nhưng vẫn không phải là người kém học thức và cũng không nghèo khó. Cả hai đã trở thành những người giàu có nhất thế giới nhờ có sự trợ giúp của Nhóm trí tuệ, cung cấp cho họ những kiến thức chuyên môn cần thiết để thành công.
Trong thế giới ngày nay, chúng ta đang sống trong một thời đại thay đổi nhanh chóng và những yêu cầu về giáo dục cũng đang thay đổi đáng kể. Thời đại hiện tại đòi hỏi sự chuyên môn hóa,vì vậy, nếu bạn muốn đạt được sự giàu có, bạn không thể bỏ qua việc tích lũy kiến thức chuyên sâu trên con đường dẫn đến thành công.
Nguyên tắc 5: Trí tưởng tượng
Trí tưởng tượng là nơi khai sinh những mong muốn của con người và là cội nguồn của mọi kế hoạch để thực hiện những mong muốn đó. Chính nhờ trí tưởng tượng, những suy nghĩ mãnh liệt và khát vọng cháy bỏng mới được hình thành và biến thành hành động. Trí tưởng tượng có hai loại chính: trí tưởng tượng tổng hợp và trí tưởng tượng sáng tạo.
Trí tưởng tượng tổng hợp: Hoạt động dựa trên kinh nghiệm, học vấn và sự quan sát có sẵn. Đây là loại trí tưởng tượng thường được các nhà sáng chế sử dụng.
Trí tưởng tượng sáng tạo: Hoạt động một cách tự động, cho phép chúng ta tiếp nhận những “rung động tư duy” hoặc ảnh hưởng từ trí tuệ của chính mình và của người khác. Điều này dễ thấy rõ ở những thiên tài.
Dù là loại trí tưởng tượng nào, nếu không được sử dụng, nó sẽ yếu dần và tàn lụi. Để tránh điều này, hãy khơi dậy và nuôi dưỡng trí tưởng tượng bằng cách sử dụng nó thường xuyên. Khả năng tưởng tượng không bao giờ chết, nó chỉ tạm thời “ngủ quên” nếu không được rèn luyện. Và hãy nhớ rằng, trong quá trình biến mong muốn thành tiền bạc, bạn nên phát triển trí tưởng tượng tổng hợp nhiều hơn!
Nguyên tắc 6: Kế hoạch hóa
Bạn không thể thành công chỉ với đam mê và trí tưởng tượng. Ý thức chính là yếu tố dẫn dắt bạn hành động và lập kế hoạch cho cuộc đời mình. Kế hoạch được xây dựng để biến ước mơ thành hiện thực. Tuy nhiên, không ai có thể khẳng định rằng một ý tưởng tốt sẽ đảm bảo kế hoạch thành công bởi vì kế hoạch còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau.
Điều quan trọng cần nhớ là khi một kế hoạch thất bại, điều đó chỉ có nghĩa là kế hoạch ấy chưa khả thi. Hãy sẵn sàng xây dựng lại kế hoạch mới và bắt đầu lại từ đầu.
Tóm tắt sách Nghĩ Giàu Làm Giàu nguyên tắc thứ 6: Người thành công không chỉ là người biết đặt ra mục tiêu mà còn là người dám loại bỏ những mục tiêu không còn phù hợp hoặc không mang lại giá trị gì cho họ. Điều quan trọng là linh hoạt và không ngừng điều chỉnh để đạt được kết quả tốt nhất.
Nguyên tắc 7: Sự quyết đoán
Sự do dự là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thất bại. Nếu muốn thành công, bạn phải đập tan sự do dự. Bạn có khối óc và tư duy của riêng mình, vì vậy hãy tự tin đưa ra quyết định cho bản thân. Nhiều khi, sự do dự không hẳn xuất phát từ chính chúng ta mà từ những “thế lực” bên ngoài, do những thói quen hình thành từ thuở nhỏ mà mỗi người đều trải qua.
Hãy tự hỏi, liệu khát vọng của bạn có đủ mạnh mẽ để thúc đẩy bản thân vượt qua sự do dự và hành động quyết đoán?
Nguyên tắc 8: Sự kiên định
Sự kiên định là yếu tố cốt lõi trong việc biến mong muốn thành hiện thực dưới dạng tài sản. Có thể nói rằng, sức mạnh ý chí là nền tảng của sự kiên định. Khi ý chí được kết hợp đúng đắn với đam mê, nó sẽ mang lại những kết quả đáng kinh ngạc. Tuy nhiên, nhiều người thường có cái nhìn sai lầm về những người đã tích lũy được khối tài sản lớn, cho rằng họ là những kẻ lạnh lùng, ác độc và thiếu lòng nhân từ. Nhưng thực tế, điều mà những người này có chính là sự kiên định và sức mạnh ý chí mãnh liệt, cho phép họ kiên trì theo đuổi mục tiêu và đạt được thành công, điều mà nhiều người không thể hiểu rõ.
Nguyên tắc 9: Sức mạnh của nhóm trị tuệ ưu tú
“Sự bền bỉ tạo dựng lòng tin. Có lòng tin sẽ có sức mạnh”. Sức mạnh là yếu tố quan trọng giúp bạn thành công trong quá trình tích lũy tài sản. Dù có kế hoạch tốt đến đâu, chúng sẽ trở nên vô nghĩa nếu bạn không có đủ sức mạnh để biến chúng thành hành động. Khi nghiên cứu về thành công của bất kỳ ai đã tích lũy được một khối tài sản lớn, bạn sẽ thấy rằng tất cả họ đều một cách có ý thức hoặc vô thức sử dụng sức mạnh của nguyên tắc “nhóm trí tuệ ưu tú”.
Tóm tắt sách Nghĩ Giàu Làm Giàu nguyên tắc thứ 9: Khi nhiều bộ não làm việc cùng nhau một cách hòa hợp, từng cá nhân trong nhóm có thể tận dụng năng lượng bổ sung được tạo ra từ trí tuệ tập thể. Sự phối hợp nhịp nhàng này không chỉ nâng cao hiệu quả mà còn gia tăng sức mạnh của cả nhóm, giúp mọi thành viên tiến xa hơn trong việc đạt được mục tiêu chung.
Nguyên tắc 10: Chuyển hóa tình dục
Cảm xúc về tình dục là một trong những cảm xúc mạnh mẽ nhất của con người. Khi được sử dụng đúng cách và hài hòa với các khía cạnh khác của cuộc sống, nó có thể mang lại những kết quả tích cực to lớn. Những ai làm chủ được cảm xúc này có khả năng khai phá trí tưởng tượng, lòng dũng cảm, ý chí, phẩm chất kiên định và khả năng sáng tạo mà trước đây họ chưa từng khám phá.
Cảm xúc này mạnh mẽ đến mức có thể điều khiển con người khiến họ đôi khi liều lĩnh hy sinh danh dự thậm chí cả tính mạng để đạt được nó. Tuy nhiên, nếu chúng ta biết cách kiểm soát và định hướng cảm xúc này vào những mục tiêu cần thiết, các phẩm chất mạnh mẽ như trí tưởng tượng, lòng dũng cảm,… sẽ trở nên mạnh mẽ hơn và được khai thác hiệu quả hơn, góp phần lớn vào thành công trong cuộc sống.
Nguyên tắc 11: Tiềm thức
Tiềm thức là nơi khởi nguồn cho mọi suy nghĩ ban đầu của con người và dần dần những suy nghĩ này sẽ được chuyển hóa thành ý thức, rồi từ đó thành hành động. Tiềm thức phản ứng nhanh và chi phối nhận thức của bạn. Con người thường gặp khó khăn trong việc kiểm soát hoàn toàn tiềm thức. Thay vì cố gắng kiểm soát, bạn có thể truyền tải vào tiềm thức bất kỳ kế hoạch hoặc mục tiêu nào mà bạn mong muốn đạt được.
Tóm tắt sách Nghĩ Giàu Làm Giàu nguyên tắc thứ 11: Hãy sử dụng tiềm thức một cách chủ động, phát triển nó thành hành động cụ thể để hiện thực hóa những mong muốn của mình.
Nguyên tắc 12: Bộ não
Giống như nguyên tắc phát sóng và thu nhận của máy thu thanh, bộ não con người có khả năng tiếp nhận dao động ý nghĩ được truyền từ những bộ óc khác. Trí tưởng tượng sáng tạo đóng vai trò như “máy thu” của bộ não, giúp xử lý và tiếp nhận những suy nghĩ phát ra từ người khác. Khi những người lãnh đạo và các thành viên trong nhóm trí tuệ ưu tú cùng ngồi lại với nhau để thảo luận về một vấn đề, mỗi cá nhân có thể đưa ra bất kỳ ý tưởng nào đang nảy sinh trong tâm trí họ.
Điều kỳ diệu là khi tham gia vào quá trình này, mỗi người sẽ có khả năng tiếp cận những kiến thức mới, những ý tưởng vượt xa kinh nghiệm cá nhân của họ trước đây. Bộ não cho phép chúng ta kết nối và mở rộng tầm nhìn, giúp khám phá những tri thức mà ta chưa từng biết đến tạo ra những giải pháp và ý tưởng sáng tạo hơn.
Nguyên tắc 13: Giác quan thứ sáu
Giác quan thứ 6 có thể được hiểu đơn giản là những suy nghĩ bất chợt lóe lên trong đầu bạn, thường được gọi là cảm hứng hay linh cảm. Những thông tin này xuất hiện khi tâm trí của chúng ta chịu ảnh hưởng bởi những kích thích mạnh mẽ. Bất kỳ điều gì có thể khuấy động cảm xúc và khiến tim bạn đập nhanh hơn đều có thể đánh thức và kích hoạt giác quan thứ 6. Hầu hết các nhà lãnh đạo vĩ đại như Napoleon, Chúa Giê-su, Đức Phật, Mohammed đều hiểu rõ và thường xuyên sử dụng giác quan thứ 6 này.
Để hiểu và sử dụng nguyên lý của giác quan thứ 6 một cách đầy đủ, bạn cần nắm vững và thực hành 12 nguyên tắc trước đó được đề cập trong cuốn sách.
Chương 14. Sáu bóng ma sợ hãi
Cuối cùng, đừng để nỗi sợ chi phối bạn. Hãy mạnh mẽ và dũng cảm để đối mặt và loại bỏ 6 nỗi sợ hãi lớn có thể cản trở con đường của bạn:
- Nỗi sợ nghèo đói
- Nỗi sợ bị chỉ trích
- Nỗi sợ bệnh tật
- Nỗi sợ mất đi tình yêu
- Nỗi sợ tuổi già
- Nỗi sợ cái chết
Nghèo hèn và giàu sang thường thay thế vị trí của nhau trong cuộc sống. Những biến động về điều kiện kinh tế đã và đang dạy cho thế giới bài học này, mặc dù không phải ai cũng ghi nhớ nó lâu dài. Nghèo đói có thể thế chỗ cho sự giàu có, nhưng sự thay đổi này chỉ xảy ra thông qua những kế hoạch cụ thể được thực hiện một cách chính xác và cẩn trọng. Ngược lại, nghèo hèn không cần kế hoạch nào cả, bởi nó mang trong mình tính liều lĩnh và tàn nhẫn. Sự giàu sang lại thường “rụt rè” và “nhút nhát”, nên để có được nó bạn phải bỏ công sức để chinh phục.